1.026 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 người phải can thiệp ECMO, tại các bệnh viện điều trị Covid-19 ở TP HCM, sáng 2/8.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch này nằm trong tổng số 33.474 F0 đang điều trị. Trong ngày 1/8, thành phố ghi nhận thêm 170 trường hợp tử vong.
TP HCM đang áp dụng mô hình điều trị tháp 5 tầng thay vì 3, 4 tầng như trước. Trong đó, tầng 4 gồm các bệnh viện điều trị người có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Tầng 5 là bệnh viện hồi sức Covid-19, chuyên tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Thành phố hiện có 3 đơn vị hồi sức lớn là Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Chợ Rẫy và Bệnh Nhiệt đới. Bộ Y tế đang thiết lập nhiều trung tâm hồi sức bệnh nhân nguy kịch tại TP HCM, do các bệnh viện lớn tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế phụ trách, với mục tiêu lớn nhất là giảm số tử vong ở người mắc Covid-19.
Bộ Y tế mới đây cũng phân loại 4 nhóm nguy cơ người nhiễm nCoV. Nhóm nguy cơ cao gồm những người tuổi từ 65 tuổi trở lên và không mắc bệnh lý nền, phụ nữ có thai hoặc trẻ em dưới 5 tuổi, người có SpO2 từ 93% đến 94%. Nhóm nguy cơ rất cao gồm người tuổi từ 65 tuổi trở lên và mắc một trong các bệnh lý nền, người bệnh trong độ tuổi bất kỳ đang trong tình trạng cấp cứu, người có SpO2 từ 92% trở xuống, người bệnh đang có tình trạng như thở máy, đang có ống mở khí quản, liệt tứ chi, đang điều trị hóa xạ trị.
Hôm qua, 3.127 người tại các bệnh viện Covid-19 TP HCM xuất viện về theo dõi tại nhà, nâng tổng số điều trị khỏi từ khi đại dịch xuất hiện lên 40.973. Những ngày qua, số xuất viện ở các bệnh viện điều trị Covid-19 dao động khoảng 3.000-4.000 người một ngày.
Sáng 2/8, Bộ Y tế công bố 1.998 ca Covid-19 mới tại TP HCM, nâng tổng số ca trong đợt dịch thứ 4 tại thành phố lên hơn 100.500. Thành phố vừa phát hiện thêm một ổ dịch mới tại khu dân cư tại quận 4. Hiện, 29 ổ dịch đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt.
Theo quy định hiện nay, người có xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, có triệu chứng hoặc thuộc nguy cơ cao sẽ được nhanh chóng thực hiện xét nghiệm RT-PCR và chuyển đến khu cách ly tập trung tại quận huyện. Người có xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính không có triệu chứng, không thuộc nhóm nguy cơ cao, tạm thời theo dõi, chăm sóc, cách ly tại nhà trong khi chờ xét nghiệm RT-PCR. F0, F1 trước khi kết thúc cách ly có thể được xét nghiệm bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh hoặc RT-PCR.
Thành phố phối hợp với mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, điều phối bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, tư vấn cho người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại cộng đồng. Dựa vào thông tin hàng ngày của tất cả F0 và F1 trên kho dữ liệu chung, mạng lưới sẽ phân chia các trường hợp này cho bác sĩ để chủ động liên hệ sàng lọc tình trạng bệnh, phân loại mức nguy cơ, từ 0 đến 4, nhưng vẫn đảm bảo bí mật thông tin người bệnh. Người dân cũng có thể gọi 1022 – nhấn phím 3 để được tư vấn chăm sóc sức khỏe về Covid-19.
Tính đến ngày 3/8, TP HCM đã tiêm hơn 900.000 liều vaccine phòng Covid-19, hoàn thành cơ bản chiến dịch tiêm đợt 5.
HCDC nhận định tình hình dịch bệnh tại thành phố đã có những chuyển biến tích cực, trong đó một phần là nhờ vào sự chung tay, đồng hành của người dân thông qua các mô hình tự quản, bảo vệ vùng xanh. Để tiếp tục kéo giảm số ca mắc, mở rộng vùng xanh, người dân cần thực hiện tốt các quy định của chỉ thị 16, tuân thủ 5K và các quy định tại khu cách ly, khu phong tỏa, hạn chế tối đa tiếp xúc người khác.