Nhạc sĩ 78 tuổi sáng tác ca khúc chống Covid-19

Mới đây, nhạc sĩ Lê Mây trình làng 2 ca khúc “Corona! Ở nhà” và “Covid-19 sẽ qua” chỉ trong thời gian chưa đầy nửa tháng. Với nhịp điệu sôi nổi, lời bài hát ngắn gọn, súc tích, hai ca khúc nhanh chóng nhận được chú ý từ cộng đồng mạng. Trong số đó, ca khúc “Covid-19 sẽ qua” được hòa âm với một nhạc cụ độc đáo từ thổ dân Úc.

Qua cuộc trò chuyện, nhạc sĩ Lê Mây hồ hởi khoe với tôi về sáng tác “Corona! Ở nhà” đã được ca sĩ Bích Ngọc thu thanh chuyên nghiệp và phát sóng trên kênh truyền hình Bộ Quốc phòng. Giữa thời điểm thông điệp “Ở nhà là yêu nước” được người dân hưởng ứng tích cực, bài hát mang tính thời sự, cập nhật. Nhạc sĩ Lê Mây cho biết, ca khúc mới sáng tác không có mục đích gì khác ngoài việc cổ vũ, đồng tình với chủ trương của Nhà nước chúng ta phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bài hát với nhịp điệu sôi nổi, tạo không khí vui vẻ, thậm chí đến hài hước. Ở phần 1, bài hát nêu cái nhìn khái quát tình hình dịch bệnh. “Corona đang bùng phát/Hại loài người chúng ta/ Thật bình tĩnh, bình tĩnh/Đừng hốt hoảng, hoang mang/ Phòng tránh dịch lây lan… Cứ yên tâm ở nhà/Vì thế mà ta cứ yên tâm ở nhà…”

Phần 2, nhạc sĩ cũng khéo léo cài cắm những bài thuốc dân gian để tăng cường sức khỏe như: “Sả chanh gừng nấu kỹ uống, phòng em corona/ Hành tỏi giấm ớt gia vị, ngừa em corona/ Súc miệng nước muối giữ họng, phòng em corona/ Nhà cửa sạch sẽ thoáng mát, ngừa em corona. Điệp khúc “Và ta cứ yên tâm ở nhà/Vì thế mà ta cứ yên tâm ở nhà” ở mỗi phần được lặp lại như một thông điệp xuyên suốt động viên người dân bình tĩnh, không hoang mang, cứ yên tâm ở nhà. Bài hát ra đời nhằm khuyến cáo mọi người hãy nâng cao ý thức và tự giác, chủ động phòng tránh dịch. Đây cũng là thời điểm mỗi người, mỗi gia đình nhìn nhận về cuộc sống gia đình, là cơ hội mỗi gia đình sum họp, quây quần bên nhau.

nhac si 78 tuoi sang tac ca khuc chong covid 19
Chân dung nhạc sĩ Lê Mây. Ảnh: Vi Giáng

Nếu “Corona! Ở nhà” là nỗi lòng trăn trở của nhạc sĩ trước nghy cơ dịch bùng phát thì hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Covid-19 sẽ qua” là một câu chuyện đầy cơ duyên. Đó là cuộc gọi điện thoại từ một vị khách Đà Lạt. Từng nghe danh thương hiệu của nhạc sĩ Lê Mây là “xuất khẩu” bài hát chỉ trong vòng một nốt nhạc, anh Huỳnh Tấn Vũ (thường gọi Vũ Hiếu Đà Lạt) đã “đặt hàng” nhạc sĩ sáng tác bài hát về Covid-19. Nhận lời sáng tác chỉ với 3 câu hát đầu “Covid mười chín sẽ qua”, nhạc sĩ Lê Mây nhanh chóng phác thảo bài hát và chép lại bản thảo ngày hôm sau gửi đến Huỳnh Tấn Vũ. Nhận được bản nhạc đầy đủ nhạc lý, ca từ ngắn gọn, dễ nghe: “Cô vít mười chín sẽ qua(2 lần)/ Bầu trời lại xanh bao la/ Xin em cứ việc ở nhà/ I í I ì/ Cô vít mười chín sẽ qua (2 lần)/ Cuộc đời lại xanh bao la/Xin anh đừng có la cà/ I í I ì… Thế thôi/ Chỉ cần thế thôi”, vợ chồng “nghệ sĩ đường phố” Vũ Hiếu Đà Lạt đã nhanh chóng “trình làng” ca khúc cùng bản hòa âm với nhạc cụ độc đáo từ thổ dân Úc là sáo Didgeridoo và trống thép Hang Drum. Không dừng lại kết quả tự thu thanh bước đầu, vợ chồng “nghệ sĩ đường phố” đang hoàn chỉnh hơn, kỹ lưỡng, tinh tế và dí dỏm hơn nhằm tạo sức hút rộng rãi cho cộng đồng mạng.

Có một điều đặc biệt ở vị nhạc sĩ xấp xỉ tuổi 80 chính là các ca khúc trên được công khai bản thảo, không mang tính thương mại. Điều nhạc sĩ Lê Mây mong muốn là bài hát lan tỏa nhiều hơn tới cộng đồng. Mặc dù ông đã rời xa những dự án âm nhạc cộng đồng để theo đuổi dự án nghệ thuật dân gian đương đại mang dấu ấn Lê Mây, nhưng với vai trò nhạc sĩ, ông nghĩ rằng cần phải viết và làm thêm nhiều điều ý nghĩa cho cuộc đời nữa.

Đánh giá về những dự án âm nhạc cộng đồng của các nhạc sĩ trẻ hiện nay, nhạc sĩ Lê Mây cho rằng, các đóng góp của nghệ sĩ âm nhạc lan tỏa và kích thích khả năng sáng tạo để nâng cao ý thức người dân trong phòng, tránh dịch bệnh Covid-19. Ngoài việc các nghệ sĩ chung tay viết nhạc, quan điểm của nhạc sĩ Lê Mây là Nhà nước nên phát động cuộc thi sáng tác và trao giải các bài hát xuất sắc từ sự ghi nhận của nhân dân sau khi đất nước ta chiến thắng dịch bệnh.

Hiện nay, nhiều dự án âm nhạc cộng đồng ra mắt song nhạc sĩ Lê Mây vô cùng ấn tượng với âm nhạc của nhạc sĩ trẻ Khắc Hưng. “Sau khi nghe bài “Ghen Cô Vy” (Khắc Hưng – Erik – Min), tôi giật mình với cách hòa âm, phối khí cùng lời bài hát dễ nghe, dễ thuộc. Tôi từng sáng tác một bài hát thời điểm dịch Covid khởi phát tháng 2-2020, song sau khi nghe bài Khắc Hưng, tôi vội xé tập bản thảo, vì bản thân cảm thấy bài hát của mình không có gì mới mẻ. Sau 1 ngày, tôi viết xong bài “Corona! Ở nhà” thì bản thân cảm thấy yên tâm khi âm nhạc của “nhạc sĩ 77 tuổi” đã phần nào cập nhật âm nhạc của thế giới.

Ngoài âm hưởng âm nhạc dân gian, bài hát “Corona! Ở nhà” còn điểm xuyết chất liệu âm nhạc jazz trong đó. Điều này mang đến sự gần gũi giữa âm nhạc Việt Nam và âm nhạc thế giới”, nhạc sĩ Lê Mây chia sẻ.

Đã nhiều năm nay, nhạc sĩ Lê Mây (SN 1942, quê gốc Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) “bỏ phố về quê” sinh sống. Căn nhà phía Tây thành phố là nơi ông có thể ngẫu hứng sáng tác trong khuôn viên vườn nhà với ao cá, vườn cây xanh tốt. Nhạc sĩ Lê Mây cho hay, đợt này ông phổ nhạc từ các bài thơ của các nhà thơ gửi về, mọi công việc đều trao đổi online. Gần 50 năm cống hiến với âm nhạc, nhạc sĩ Lê Mây từng được gọi là nhạc sĩ có duyên nợ với Hà Nội. Các ca khúc “Hà Nội linh thiêng, hào hoa”, “Cà phê chiều Yên Phụ”, “Phía Tây thành phố”,… là các ca khúc nổi tiếng gắn với tên tuổi Lê Mây.

Năm 2019, nhạc sĩ Lê Mây vinh dự được Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao giải thưởng “Công dân ưu tú Thủ đô 2019” cho những cống hiến của ông với âm nhạc. Ở tuổi xấp xỉ 80, khả năng sáng tác, cường độ làm việc và sức sáng tạo của nhạc sĩ Lê Mây vẫn dồi dào như xưa. Theo nhạc sĩ Lê Mây, bí quyết để nuôi dưỡng niềm đam mê chính là sống cùng âm nhạc. “Lứa tuổi như mình dễ sa vào lối xưa nên phải viết thế nào để hòa nhập vào cuộc sống mới, trong đó, tiết tấu, nhịp điệu vừa có hồn dân tộc nhưng lại có nhịp điệu trẻ của cuộc sống thì tác phẩm mới sống được”, nhạc sĩ Lê Mây trải lòng.

Vi Giáng