Sau hơn 1 ngày điều trị tích cực, sức khoẻ bé L. đã tiến triển tốt hơn, não không phát hiện tổn thương.
BS Nguyễn Thị Hoan, Phó trưởng khoa Nhi, BV đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sức khoẻ bệnh nhi Trần Văn L. đang tốt dần lên, không phải thở oxy.
“Đáng mừng, kết quả chụp CT não không phát hiện hình ảnh tổn thương”, BS Hoan thông tin.
Hiện bệnh nhi vẫn còn nôn và đang được chăm sóc tích cực, bổ sung dinh dưỡng.
May mắn được cấp cứu kịp thời, cháu L. đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: BVCC
Bé Trần Văn L., 19 tháng tuổi ở xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc bị bỏ quên trong ô tô đóng kín cửa, không nổ máy từ trưa đến khoảng 15h ngày 8/6. Khi gia đình tìm thấy, cháu bé đã hôn mê, sốt cao trên 41 độ.
Cháu bé được đưa đến trạm y tế xã cấp cứu rồi chuyển tiếp xuống TT Y tế huyện Lập Thạch. Bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốc nhiệt do nắng nóng.
Do tình trạng nặng, bệnh nhi được chuyển lên BV đa khoa tỉnh để điều trị trong tình trạng rối loạn đông máu, bạch cầu tăng, rối loạn điện giải, hạ canxi, hạ kali, sốt 40,5 độ, phải thở oxy.
Nhờ điều trị tích cực, sức khoẻ bệnh nhi đã dần hồi phục. BS Nguyễn Văn Huy, Trưởng khoa Cấp cứu, BV đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nếu bệnh nhi đến viện muộn hơn một chút, có thể đi lại di chứng rất lớn, khó hồi phục.
Các bác sĩ cho biết, khi ngồi trong một chiếc xe ô tô bị bỏ quên dưới trời nắng, chỉ cần 20 phút, đứa trẻ có thể bị tổn thương não bộ và thận do nhiệt độ cơ thể tăng quá cao vì sốc nhiệt và ngạt thở.
Trẻ em bị tổn thương nhanh hơn do khả năng thích ứng với nhiệt độ kém hơn, mất nước nhanh hơn người lớn.
Khi xe ô tô đóng cửa, tắt máy dưới trời nắng, nhiệt độ trong xe sẽ tăng lên rất nhanh, khoảng gấp rưỡi nhiệt độ bên ngoài trong vòng 1 tiếng, với mức tăng thêm 3-6 độ sau mỗi 10 phút.
Khi trẻ bị sốc nhiệt sẽ tác động đến toàn bộ cơ quan trong cơ thể như hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, suy thận, suy gan, tổn thương não, hôn mê… Nếu nhiệt độ trong cơ thể trẻ đạt tới hơn 40 độ C, các cơ quan của trẻ sẽ ngừng hoạt động và khi nhiệt độ cơ thể đạt tới 41,6 độ C thì trẻ nguy cơ cao tử vong.