Không thể đổ lỗi cho cái hầm để xe gây ra các vụ cháy chung cư để rồi cấm nó. Lỗi là ở khâu thiết kế, xây dựng, thi công, cấp phép, giám sát…, do con người thực hiện chứ không phải ở cái hầm.
Tuần vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách pháp luật trong phòng cháy chữa cháy. Vấn đề an toan chung cư trước “giặc lửa” được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm và bày tỏ sự lo lắng.
Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Ninh Bình) đã đề nghị, trong tương lai xây dựng các khu chung cư là xây bãi đỗ xe riêng chứ không để dưới tầng hầm.
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương, hiện nay, luật chưa quy định nên các nhà chung cư, các khách sạn, khi xây dựng chưa có đường thoát. Do vậy, ĐB Phương đề nghị Luật Xây dựng khi sửa đổi phải quy định tất cả các công trình nhà cao tầng phải có một là đường thoát.
“Cách cứu hộ, cứu nạn bằng dây hoặc là cái gì đấy để cho người dân thoát được. Hoặc khi bị cháy thì cứu hộ, cứu nạn xử lý như thế nào?” – Ông Phương gợi ý.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương cũng đề nghị, các nhà cao tầng, các khách sạn không để tầng hầm là nơi đậu xe.
“Từng xe là có thùng xăng và tầng hầm nơi đậu xe máy, xe ô tô trở thành kho xăng dầu ở dưới và khi cháy thì không thể nào mà cứu chữa được, nếu phun nước vào xăng nổi lên thì xăng vẫn cháy… nên tôi đề nghị trong tương lai xây dựng các khu chung cư là xây bãi đỗ xe riêng chứ không để dưới tầng hầm.” – ông Phương nói.
ĐB tỉnh Ninh Bình gợi ý: “Ví dụ cơ quan nhà nước thì có chấp nhận được vì ít, còn các khu chung cư thì phải có một khu vực đậu xe riêng và khu vực này có thể cũng là cao tầng”.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương
Về ý kiến này, trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: “Chúng tôi hiện nay đang nghiên cứu xem có sử dụng tầng hầm làm chỗ đỗ xe nữa hay không”.
Không để xe trong tầng hầm, xây hẳn một khu vực để xe trên mặt đất tách rời với nhà chung cư hoặc làm bãi để xe trên… sân thượng quả là một điều lý tưởng nhưng hầu như không khả thi trong điều kiện diện tích đất dành cho giao thông đô thị vẫn đang còn rất thấp, đặc biệt là với các chung cư cũ, khi cải tạo xây lại thì chủ đầu tư phải tận dụng tối đa diện tích đất mới có thể vừa đảm bảo đủ phần diện tích trả lại (có bù thêm) cho chủ cũ của căn hộ, lại vừa có lãi mà vẫn còn đủ diện tích để trồng cây xanh, làm các công trình hạ tầng xã hội khác theo quy định của pháp luật…
Mặt khác, nếu phân tích sâu xa ra thì, việc để xảy ra các đám cháy lớn tại các khu chung cư không phải là lỗi của các… tầng hầm, cũng không phải là lỗi của những chiếc xe đỗ trong đó. Lỗi ở đây chính là con người!
Từ tất cả các khâu như thẩm định, duyệt thiết kế, cấp phép, giám sát… đều đã có đầy đủ các quy định của pháp luật và chỉ cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định đó thì có lẽ, không phải tuyệt đối thì cũng gần như không thể xảy ra các vụ cháy, hoặc nếu có thì sẽ được xử lý ngay lập tức mà không để xảy ra những thiệt hại lớn về người và tài sản, ví dụ như vụ cháy chung cư Carina làm 13 người chết hôm 23/3/2018.
Chính Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã cho biết, hiện nay, chúng ta có ba luật điều chỉnh vấn đề phòng cháy chữa cháy, đó là Luật Phòng cháy và chữa cháy; Luật Xây dựng; Luật Nhà ở. Cùng với đó, ít nhất có bốn Nghị định và nhiều Thông tư của các Bộ để điều chỉnh các vấn đề này.
“Trong các văn bản pháp luật này đã có những quy định hết sức cụ thể trong tất cả các khâu của lĩnh vực đầu tư xây dựng. Ví dụ, khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật, thẩm định thiết kế chi tiết và kiểm tra, nghiệm thu công trình. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay liên quan đến phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực xây dựng có 8 quy chuẩn và 26 tiêu chuẩn…” – ông Phạm Hồng Hà dẫn chứng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà
Ông Hà cũng chỉ rõ, trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn này cũng quy định rất cụ thể về quy hoạch hệ thống đường giao thông để phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, các trạm phòng cháy, chữa cháy, bố trí các trụ nước, quy định về việc phòng cháy, báo cháy, ngăn cháy lan, chữa cháy và cũng có những quy định rất cụ thể về phòng, chống cháy trong một số công trình chuyên ngành.
“Ví dụ như nhà ở, chung cư, chợ, công trình thương mại, dịch vụ, v.v. trong Luật Nhà ở thì chúng ta cũng đã quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, của Ban quản trị nhà chung cư trong việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cũng như việc mua bảo hiểm về cháy, nổ” – ông Hà cho biết.
Tuy nhiên, trên thực tế, từ báo cáo giám sát của Quốc hội cho đến ý kiến của các đại biểu cũng đều cho thấy, việc thực thi chính sách pháp luật đã không được chặt chẽ nếu không muốn nói là “buông lỏng”. Điều đó được minh chứng bởi con số 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC…
Tất nhiên, nói như vậy cũng không phải là chính sách pháp luật, các quy định về phòng cháy chữa cháy đã thực sự hoàn hảo.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận thì “có một số nội dung đã lạc hậu, còn thiếu một số quy định để đáp ứng đối với yêu cầu và sự phát triển rất nhanh của lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị…”
Trao đổi với VnMedia về chuyện nên hay không nên dùng tầng hầm tại các toà nhà chung cư làm chỗ để xe, KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Việt Nam) cho rằng, đây là điều không thể tránh khỏi.
“Ở các nước họ cũng khuyến cáo là nếu có điều kiện thì nên để xe lộ thiên ở trên mặt đất, nhưng điều đó rất khó để thực hiện được. Do vậy, vấn đề quan trọng là làm thế nào để có các quy định đầy đủ, phù hợp và quan trọng nhất là việc thực hiện, giám sát nghiêm ngặt để phòng ngừa xảy ra các vụ cháy cũng như xử lý kịp thời khi có cháy. Điều này thì phụ thuộc vào chính là do con người chứ không phải là ở bản thân cái hầm” – ông Ánh nói và nhấn mạnh: “Việc để xảy ra các vụ cháy, bản thân cái hầm không có tội”.
Theo KTS Trần Huy Ánh, không thể nói là vì sợ cháy mà lại cấm dùng tầng hầm để xe. “Chúng ta ra đường cũng rất có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, vì thế, chúng ta phải có luật giao thông đường bộ và mọi người phải tuân thủ để tránh gây ra tai nạn” – ông Ánh nêu ví dụ và cho rằng, lịch sử phát triển của các thành phố đi liền với lịch sử của các vụ cháy. Khi thành phố càng phát triển thì càng phải chủ động đối diện với thảm hoạ tốt hơn.
Phải có bên thứ ba giám sát
Đáng chú ý, ông Trần Huy Ánh cho rằng, cần phải làm sao để thực sự có người chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các vụ cháy, và vì trách nhiệm đó, người ta sẽ phải tìm ra các giải pháp và thực hiện nó một cách nghiêm túc chứ không phải chỉ là nói “nhận trách nhiệm” một cách chung chung, nhưng đến khi xảy ra cháy nhà, chết người thì từ cơ quan thẩm định, cấp phép, giám sát… đều vô can.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Sĩ Cương khi phát biểu tại Nghị trường cũng nhấn mạnh một sự bất cập trong công tác quản lý PCCC mà ông cho là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Theo đó, cơ quan phòng cháy, chữa cháy ở cấp quận, huyện vừa là cơ quan phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy nhưng đồng thời cũng là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra.
“Tôi có hỏi thì một số anh em, bạn bè mở một cửa hàng thôi nhưng lên phương án phòng cháy, chữa cháy mà đưa đến cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt rất là khổ. Thế nhưng, nếu để cho chính các cơ quan đó gọi cho các DN vào làm, người ta gợi ý luôn thì khi được phê duyệt rất là nhanh, bởi vì người ta vừa làm vừa phê duyệt, có thẩm quyền gắn với nhau” – ông Nguyễn Sĩ Cương nói.
Bình luận về ý kiến này, ông Trần Huy Ánh cho rằng, hiện nay, vai trò của công an là vừa cấp phép, vừa giám sát, lại vừa là cơ quan tham mưu, hướng dẫn, thậm chí bán thiết bị phòng cháy chữa cháy…, đến các bể nước phòng hoả đều do công an chịu trách nhiệm. “Nhưng khi cháy xảy ra thì lỗi tại ai, công an có chịu trách nhiệm không?” – ông Ánh đặt câu hỏi và cho rằng, phải có bên thứ ba độc lập đứng ra chịu trách nhiệm.
Bên thứ ba này, theo KTS Trần Huy Ánh, đó là bảo hiểm. “Vì bảo hiểm là bên sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm đền bù khi có cháy xảy ra nên bảo hiểm sẽ là bên kiểm tra, nghiệm thu, giám sát việc phòng chống hoả hoạn và chắc chắn là họ sẽ phải làm thực chất. Cần quy định, các tòa nhà phải mua bảo hiểm cháy nổ và nếu bảo hiểm chưa nghiệm thu thì không được cấp phép cho công trình đó hoạt động” – Ông Trần Huy Ánh nêu quan điểm.