Huấn luyện cho đàn cá “tập thể dục” những tưởng chỉ có ở các trường xiếc, nhưng đó lại là phương pháp được anh Phí Hải Vân, thành viên HTX Hồ Quỳnh, xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai) áp dụng vào nuôi cá lăng thương phẩm trên lòng hồ sông Đà.
Với phương pháp này, anh Vân đã tạo ra những lứa cá lăng có giá trị thương mại cao, góp phần quảng bá, giới thiệu thương hiệu “Cá sông Đà Quỳnh Nhai”.
Duyên nợ với lòng hồ
Câu chuyện về anh Phí Hải Vân, nông dân khởi nghiệp nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà ở Quỳnh Nhai đầy trắc trở, nhưng nhờ nỗ lực, cố gắng của bản thân đã vươn lên trở thành một trong những điển hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà được nhiều người biết đến.
Anh Phí Hải Vân giới thiệu mô hình nuôi cá lăng “tập thể dục” với khách tham quan. |
Dáng người cao, gầy, làn da rám nắng đặc trưng của người dân vùng sông nước, cùng gương mặt chất phác, khiếu nói chuyện hài hước là ấn tượng đầu tiên khi gặp anh Vân. Từ bến cầu Pá Uôn, đưa chúng tôi ra thăm mô hình nuôi cá lồng bằng chiếc thuyền mui trần, rẽ sóng về phía thượng nguồn sông Đà, khoảng 15 phút đến khu nuôi cá lồng của gia đình. Anh Vân giới thiệu: Tôi là người dân xã Chiềng Sung (Mai Sơn), cơ duyên đưa đến với nghề nuôi cá lồng bắt đầu từ nhiều năm trước, khi đó tôi vào xã Pắc Ma thầu đất vùng bán ngập để trồng ngô. Đến năm 2011, Công trình thủy điện Sơn La tích nước tạo thành mặt hồ hàng nghìn ha, tôi chuyển sang nuôi cá lồng. Nhưng thời gian đầu, do cây cối ngập dưới lòng hồ bị chết, phân hủy làm nước sông ô nhiễm, gần 12.000 con cá lóc nuôi chết gần hết, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Trắng tay, tôi trở về Chiềng Sung tiếp tục làm nông nghiệp, đến năm 2015, tích góp tiền trả song nợ, còn dư ít vốn, tôi tiếp tục quay trở lại với nghề nuôi cá lồng.
Được biết, với 10 triệu đồng, anh đầu tư làm 2 lồng cá bằng gỗ để nuôi cá trắm đen và cá nheo. Nhận thấy việc phát triển đơn lẻ không bền vững, anh đã tham gia HTX Hồ Quỳnh và di chuyển lồng cá xuống địa phận xã Chiềng Ơn. Được sự tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ huyện và HTX, cá nuôi theo quy trình VietGAP phát triển tốt, mỗi lứa xuất bán cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Năm 2016, được huyện Quỳnh Nhai hỗ trợ 20 triệu đồng làm lồng cá, anh tiếp tục mở rộng quy mô thêm 4 lồng để nuôi cá trắm đen, rô phi và cá lăng đen. Đồng thời, anh mạnh dạn tìm kiếm thêm đối tác, mang cá lăng đi chào hàng tại các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng ở Hà Nội bằng cách cho nhà hàng chế biến cá ăn thử miễn phí. Tưởng những con cá lăng to, khỏe, nuôi trong môi trường tự nhiên sẽ thuyết phục khách hàng, chuyến đi sẽ có thêm nhiều đơn hàng, nhưng tất cả đều từ chối với cùng một lý do thịt cá không săn chắc, bụng quá nhiều mỡ.
Nhận thấy nếu không thay đổi áp dụng quy trình nuôi cá như hiện tại trong khi quy mô, sản lượng cá nuôi trên lòng hồ ngày một nhiều thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm ngày càng khó khăn. Vì vậy, thay vì tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi cá, anh Vân mày mò tìm hiểu trên mạng, thông tin duy nhất anh tiếp cận được khi đó từ một số bài viết chia sẻ kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu cho thấy tăng cường tập luyện bơi lội cho cá sẽ làm cho cá săn chắc và chất béo giảm. Nhưng chưa có hướng dẫn quy trình cụ thể áp dụng đối với cá lăng. Với quyết tâm tạo ra cá lăng thương phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu khách hàng, anh quyết định áp dụng phương pháp “tập thể dục” cho cá lăng.
Cho cá lăng “tập thể dục”
Chia sẻ phương pháp cho cá lăng “tập thể dục”, anh Vân bảo: Ban đầu tôi kéo lưới lên cao để cho cá bơi lội, quẫy đuôi đánh tan mỡ, nhưng vì chưa có kinh nghiệm, nóng vội khiến cá bị sốc, nhiều con bị dập cơ, sốc nhiệt chết nổi trên mặt nước. Rút kinh nghiệm, tôi điều chỉnh quy trình, đưa cá lên khỏi mặt nước từ từ, mỗi hôm lên cao khoảng 30 cm để cá dần thích nghi. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có quyển sổ nhật ký ghi chép quy trình “tập thể dục” cho cá được điều chỉnh, bổ sung hằng ngày. Cuối cùng sau 3 tháng thử nghiệm, đến tháng 4/2017, tôi mới hoàn thiện quy trình kỹ thuật “tập thể dục” giảm cân, giảm mỡ cho cá lăng.
Chỉ cách mặt nước 30 cm, những con cá lăng bơi lội, quẫy đuôi “tập thể dục” để giảm cân. |
Để minh chứng, anh Vân bước đến sát lồng cá, dùng hai tay tháo dây cột từng góc lưới và từ từ kéo lên, chưa đầy 5 phút những con cá lăng cách mặt nước 4 m dần dần ngoi lên, kéo đến khi cá chỉ còn cách mặt nước khoảng 30 cm anh Vân dừng lại, những con cá lăng chừng vài cân quẫy đuôi bơi lội khiến nước bắn tung tóe. Theo anh Vân phương pháp nuôi cá “tập thể dục” tuy không phải đầu tư thêm thiết bị, nhưng lại yêu cầu người nuôi phải kiên trì và áp dụng đúng thời gian biểu, tốn khá nhiều công sức. Khi cá đủ 18 tháng, đạt trọng lượng trung bình khoảng 4-5 kg/con, anh Vân bắt đầu cho cá “tập thể dục”, kéo dài liên tục trong vòng 6 tháng, thường bắt đầu từ tháng 10 năm nay và kết thúc vào tháng 3 năm sau; mỗi ngày cho cá “tập thể dục” 2 lần, sáng từ 5 giờ 30 phút đến 7 giờ, chiều từ 17 giờ đến 19 giờ. Kết hợp điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thay vì cho cá ăn 2 lần/ngày thì nay 3 ngày cá mới được ăn một lần, thức ăn là cá tép dầu nhỏ được đánh bắt tự nhiên, sắn củ tươi cắt miếng, ngô say bột.
Kết hợp cho cá “tập thể dục” anh Phí Hải Vân điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để cá giảm cân hiệu quả. |
Thức ăn cho cá trong giai đoạn “tập thể dục” chủ yếu là cá mương, tép dầu, sắn và ngô. |
So sánh về hiệu quả kinh tế, anh Vân bảo: Trong vòng 6 tháng “tập thể dục”, trung bình mỗi con cá sẽ giảm được 0,7 kg. Tuy giảm cân, nhưng cá bán được giá, trong khi cá nuôi thông thường chỉ bán được 70.000 đến 80.000 đồng/kg thì cá lăng “tập thể dục” bán được 120.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi kg cá lăng “tập thể dục” cao hơn từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/kg. Tính ra không những không bị thiệt về kinh tế mà còn thu được lãi cao hơn, quan trọng là sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Giờ sản phẩm cá lăng “tập thể dục” trên sông Đà của gia đình anh Vân luôn ở trong tình trạng “cung” không đáp ứng đủ “cầu”, trung bình mỗi ngày anh cung cấp cho thị trường hàng tạ cá các loại, trong đó có cá lăng. Vì vậy, trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 vừa qua, khi hàng loạt nhà hàng tạm ngừng kinh doanh, các đơn hàng cung cấp thường xuyên với số lượng lớn bị tạm ngừng, thì toàn bộ cá lăng của gia đình anh vẫn được các tiểu thương đến tận nhà thu mua.
Chắp cánh thương hiệu “Cá sông Đà”
Là một trong những doanh nghiệp hoạt động có tiếng về lĩnh vực xây dựng, dịch vụ du lịch ở Quỳnh Nhai, ông Phạm Văn Doanh, Giám đốc Công ty THNN Đầu tư và Phát triển du lịch Quỳnh Nhai chia sẻ: Cách nuôi cá lồng của anh Vân rất độc đáo. Cá nuôi cho “tập thể dục” chẳng khác gì nuôi “gà chạy bộ” nên thịt săn chắc, ăn rất ngon. Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội đưa cả bếp trưởng lên tham quan, trực tiếp bắt cá và chế biến tại chỗ để thưởng thức, ăn xong ai cũng khen ngon và đặt hàng. Được anh Vân giúp đỡ, hiện tôi đã đầu tư 10 lồng nuôi cá lăng, cá trắm đen để phục vụ cho nhà hàng của gia đình, khách du lịch và tôi đã liên kết với anh Vân để tiêu thụ sản phẩm.
Mỗi ngày, anh Phí Hải Vân cung cấp hàng tạ cá cho các tiểu thương. |
Thấy mô hình nuôi cá của anh Vân cho hiệu quả kinh tế cao vượt trội so với cách nuôi cá truyền thống, nhiều hộ nuôi cá ở các xã trên địa bàn huyện đã tìm đến để học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, anh Vân đã liên kết chuyển giao kỹ thuật cho 10 hộ gia đình ở xã Pắc Ma theo hướng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, anh Vân đã đầu tư mở rộng quy mô nuôi lên 27 lồng cá, trong đó 15 lồng cá lăng, 5 lồng cá trắm đen, 5 lồng cá rô phi và 2 lồng cá tầm. Thông tin thêm với chúng tôi, anh Vân cho biết: Cuối tháng 3 vừa qua, tôi nuôi thí điểm cá tầm, sau hơn một tháng, hiện cá phát triển tốt, thích nghi với môi trường. Hướng tới sẽ liên kết với Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam – Sơn La, xã Mường Trai (Mường La) để mở rộng quy mô nuôi cá tầm.
Cá tầm được anh Phí Hải Vân nuôi thí thích nghi với môi trường, phát triển tốt. |
Tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, hiện anh Vân đã gia nhập thành viên Chi hội Doanh nghiệp Quỳnh Nhai, liên kết với các hội viên kinh doanh lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn phục vụ khách thăm quan, trải nghiệm mô hình nuôi cá lồng trên sông Đà. Anh cũng đầu tư một chiếc thuyền để chở khách du lịch thăm quan lòng hồ, kết hợp trải nghiệm mô hình nuôi cá lồng. Anh Vân mong muốn được ngành nông nghiệp hỗ trợ đầu tư hệ thống bể chứa cá bằng thủy tinh sục khí tạo ô xi và tủ bảo quản cá đông lạnh tại khu đầu cầu Pá Uôn trưng bày, giới thiệu sản phẩm cá lăng “tập thể dục” nói riêng và các loại cá sông Đà nói chung, để ngày càng nhiều du khách gần xa biết đến thương hiệu “Cá sông Đà Quỳnh Nhai”.
Câu chuyện về anh Phí Hải Vân với sáng kiến “tập thể dục” cho cá lăng để tăng giá trị sản phẩm và nuôi thử nghiệm thành công cá tầm còn là câu chuyện về tinh thần nỗ lực, sáng tạo, vượt khó vươn lên trở thành điển hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà Quỳnh Nhai. Mô hình kinh tế hiệu quả của anh cần tiếp tục nhân rộng.