Lắp chung 1 điều hòa cho 2 phòng liệu có tiết kiệm hơn?

Hè đến, để giải quyết nắng nóng và tiết kiệm chi phí, nhiều gia đình sử dụng phương pháp lắp một chiếc điều hòa để làm mát cho hai phòng cạnh nhau. Liệu việc lắp chung 1 điều hòa cho 2 phòng sẽ là phương án giúp tiết kiệm?

“Hai trong một” tiết kiệm đủ đường

Vợ chồng chị Hằng (Hà Đông, Hà Nội) mới về nhà mới, tiền chẵn tiền lẻ hai vợ chồng đã dồn hết để trả tiền nhà. Giờ đây thời tiết bắt đầu vào hè, những ngày trời nắng nóng, không khí trong nhà hết sức oi bức. Do đó, chị Hằng bàn với chồng cố gắng dồn tiền lắp điều hòa cho các con đỡ khổ.

Lắp chung 1 điều hòa cho 2 phòng liệu có tiết kiệm hơn?
Nhiều chị em chia sẻ việc lắp 1 điều hòa dùng cho 2 phòng ngủ sẽ giúp tiết kiệm điện

Chị Hằng nhẩm tính, nhà có 4 người mà có 2 phòng ngủ có nghĩa sẽ phải lắp 2 điều hòa. Nhưng, đang trong lúc khó khăn nếu cố lắm cũng chỉ đủ sức dồn tiền lắp được một chiếc, chưa kể nếu có tiền lắp hai điều hòa, sử dụng hai chiếc thường xuyên thì cuối tháng tiền điện sẽ tăng vọt gấp vài lần.

Nghĩ đến số tiền lắp đặt hai máy điều hòa và tổng tiền điện lên tới hàng triệu mỗi tháng chị Hằng đã thấy phát hoảng. Trong một lần tham khảo các group về kinh nghiệm lắp đặt điều hòa, chị Hằng vui mừng khi thấy có nhiều ý kiến chia sẻ việc lắp 1 điều hòa dùng cho 2 phòng ngủ.

Tại một nhóm của hội chị em mà chị Hằng theo dõi, có chị đã chụp hình ảnh và chia sẻ về “bí quyết” tiết kiệm của gia đình, đó là hai phòng ngủ chỉ cần lắp một điều hòa.

“Có điều hòa cả nhà mát mà lại tiết kiệm, đỡ được bao nhiêu kinh phí. Nhà tôi 4 người đang sử dụng tốt và rất hài lòng” – một chị có tên Lê Hoa chia sẻ thông tin và kèm hình ảnh minh họa luôn.

Nhà chị Hằng cũng tương tự các gia đình trên, có hai phòng ngủ với một phòng 12m2 và một phòng 15m2. Nếu dùng chung điều hòa chỉ cần lắp máy 12.000 là đủ mát.

Không chần chừ, chị Hằng bàn với chồng lên kế hoạch cuối tuần sẽ mua máy, gọi thợ sửa nhà và lắp đặt. Tuy nhiên, chồng chị Hằng lại không đồng ý.

“Ít tiền thì mua một máy trước, lắp một phòng cả nhà tạm dùng chung khi nóng. Năm sau đỡ khó khăn thì lắp thêm chiếc nữa. Một điều hòa dùng cho hai phòng, mới nghe tưởng tiết kiệm nhưng không hề tiết kiệm, lại mất công sửa lại nhà” – anh Trung, chồng chị Hằng nói.

Để chứng minh cho vợ hiểu, anh Trung đã gọi thợ điện lạnh là một người quen có kinh nghiệm, qua nhà tư vấn.

Có thực sự là giải pháp?

Theo phân tích của người thợ điện lạnh, cho thấy cách lắp đặt này có rất nhiều điểm bất hợp lý. Không chỉ vậy, cách lắp đặt này thậm chí không hề tiết kiệm chi phí như nhiều chị em nghĩ.

Lắp chung 1 điều hòa cho 2 phòng liệu có tiết kiệm hơn?
Lắp chung điều hòa, sẽ có rất nhiều điểm bất hợp lý, thậm chí tốn kém hơn

Thông thường, một chiếc máy lạnh khi thiết kế đã được đo đạc công năng làm mát đúng với tỷ lệ căn phòng. Nếu lắp một máy cho hai phòng như thế thì sẽ làm sai với mục đích thiết kế. Chưa hết, khi lắp một máy lạnh cho hai căn phòng thì buộc phải chia đôi máy ở ô thoáng thông giữa hai phòng. Do đó, quá trình làm mát sẽ chậm hơn dẫn đến tốn điện hơn.

Cục lạnh của máy thường có dạng như cánh quạt giúp thổi hơi mát từ dàn lạnh ra bên ngoài. Độ dài cánh quạt chỉ bằng 2/3 độ dài cục lạnh, phần còn lại là bộ điều khiển và động cơ. Như vậy, khi lắp máy ở giữa hai căn phòng, cục lạnh sẽ bị ngăn cản do bức tường, làm lãng phí nguồn gió lạnh.

Bên cạnh đó, việc lắp máy lạnh cho cả hai căn phòng còn dẫn đến tình trạng phòng này mát hơn phòng kia. Vì đa số chúng ta thường chia đều cục lạnh ở cả hai phòng, nhưng chiều dài cánh quạt có độ lệch so với cục lạnh sẽ làm cánh quạt gió không đều nhau và một phòng sẽ nhận được gió nhiều hơn. Khi đó, máy lạnh phải hoạt động liên tục để đạt đến nhiệt độ cần thiết, gây tiêu tốn điện năng.

Ngoài ra, một điểm rất quan trọng là không phải lúc nào cả hai căn phòng đều có người dùng. Nếu phòng còn lại không có người dùng nhưng điều hòa vẫn miễn cưỡng làm mát cả hai phòng thì thực sự lãng phí và khó mà khắc phục.

Theo phân tích ở trên, việc lắp 1 điều hòa cho 2 phòng không những không giúp gia đình của bạn tiết kiệm mà còn gây lãng phí nhiều hơn. Các chi phí để mua thiết bị, chi phí lắp đặt đắt đỏ hơn và đặc biệt là tiêu tốn nhiều điện năng dù hiệu quả làm mát kém hơn.

Sau khi nghe người thợ phân tích, chị Hằng đã đồng ý cùng chồng lắp một chiếc điều hòa phù hợp với diện tích phòng để gia đình cùng dùng trong những ngày nóng cao điểm, như vậy vừa đảm bảo làm mát được hiệu quả và tăng độ bền cho điều hòa.