Hàng nghìn người đi xe máy từ các tỉnh, thành phía Nam khi về đến Nghệ An trong mưa gió, dưới mái che điểm hỗ trợ an sinh, được tiếp sức bằng bát cháo nóng.
Từ đầu tháng 10 đến nay, UBND TP Vinh và tỉnh Nghệ An đã bố trí nhà bạt hàng trăm mét, thức ăn cho hàng vạn người khi về quê và đi qua Nghệ An.
Anh Nguyễn Duy Cương – Bí thư đoàn phường Bến Thủy (TP Vinh) cho biết, ở điểm hỗ trợ an sinh có thức ăn nhanh, đồ uống ấm và hàng trăm chiếc áo mưa do Mặt trận Tổ quốc đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ.
Anh Nguyễn Duy Cương – Bí thư đoàn phường Bến Thủy (áo xanh). Ảnh: Quốc Huy |
Hàng trăm suất cháo mới nấu còn thơm phức, anh Cương lặng lẽ bưng đến đặt gọn gàng ở bàn riêng, đảm bảo đủ khoảng cách để mọi người tự đến nhận.
Anh bảo: “Có cháo nóng, mọi người tự đến lấy ăn đi cho ấm. Có áo mưa, ai không có lấy mỗi người một cái mặc cho ấm. Ở đây có đồ trẻ em từ 2 – 5 tuổi, ai cần cứ đến lấy”.
Dù rất mệt nhưng mọi người về đến dưới chân núi Dũng Quyết, ai cũng tự tìm đến lấy cho mình một bát cháo ấm, ăn chậm rãi ngay tại vỉa hè. Có người không thích ăn cháo, thì lấy bánh bao…
Người phụ nữ ăn bát cháo nóng ngon lành ở vỉa hè trước lúc trời mưa tầm tã. Ảnh: Quốc Huy |
Còn hai vợ chồng anh Q. quê ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) chia sẻ, hành trình vượt xe máy hơn 1.000km về quê rất mệt. Thời tiết mưa gió khiến vợ chồng anh và con gái ướt sũng.
Thấy con gái anh Q. bị ướt hết quần áo, mọi người ở điểm hỗ trợ an sinh đã tìm cho cháu bé một bộ quần áo màu xanh mặc tạm trong lúc chờ đoàn xe CSGT dẫn đi cách ly tập trung.
“Ăn chiếc bánh bao mà biết ơn những người ở quê hương đã giúp đỡ gia đình em và biết bao người khác. Những người lao động tự do như em ở trong Nam không thể kiếm được việc làm vào lúc này nên hai vợ chồng quyết định đi xe máy trở về”, anh Q. tâm sự.
Những người về quê lấy áo mưa mặc khi cơn mưa nặng hạt đổ xuống. Ảnh: Quốc Huy |
Còn chị Vừ Thị Dình, quê ở Hà Giang, sau khi nhận được mấy bộ quần áo mới cho con nhỏ chia sẻ: “Cảm ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ. Mấy hôm nay đi dọc đường con tôi chỉ được ăn cháo gói, bây giờ mới được ăn miếng cháo nóng…”.
Chị Vừ Thị Dình đút cháo cho con ăn sau khi thay áo mới. Ảnh: Quốc Huy |
Hai vợ chồng quê ở Nghệ An ăn bánh bao ngon lành lúc trời vừa ngớt mưa, họ chờ xe CSGT đưa đi cách ly tập trung. Ảnh: Quốc Huy |
Ở một góc nhỏ, 2 đứa trẻ tầm 6 tuổi và 9 tuổi đang cầm chiếc bánh mì đã nguội ngắt. Một người trong đoàn thiện nguyện tiến lại gần hỏi thăm và đưa cho các cháu 2 chiếc bánh bao còn ấm.
Anh Phan Hùng Sơn (SN 1971, trú tại TP Vinh) là người được rất nhiều người biết đến trong công tác thiện nguyện, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, nấu ăn miễn phí ở các khu cách ly từ nhiều tháng giãn cách xã hội đến nay.
“Có thức ăn đồ uống mọi người tự giác đến lấy. Áo mưa mỗi người lấy một cái, để cho người khác chưa có. Có xăng xe miễn phí mọi người qua bên kia đường lấy nhé” – giọng anh Sơn sang sảng giữa biển người về quê.
Anh Phan Hùng Sơn đang lấy áo mưa cho một người dân về quê – Ảnh: Quốc Huy |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh trực tiếp ở điểm tiếp đón công dân trở về quê tại đầu cầu Bến Thủy cho biết, ngoài sự hỗ trợ của TP Vinh, những ngày tới, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và MTTQ sẽ hỗ trợ tối đa cho người dân.
Thừa Thiên Huế: “Tôi về gần, cơm để dành cho người đường xa”
Ngày 6/10, tại khu vực phía Bắc hầm Hải Vân, hàng nghìn lượt người lầm lũi trong mưa chờ lực lượng chức năng tỉnh TT-Huế bố trí xe dẫn đoàn để hỗ trợ đi qua địa bàn.
Bất chấp mưa gió, hàng nghìn người đi xe máy từ miền Nam về quê |
Chia sẻ với VietNamNet, nhiều người dân cho biết, họ rời quê hương vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam lập nghiệp, đồng lương công nhân ít ỏi nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội kéo dài khiến họ mất việc làm, cuộc sống khó khăn, bế tắc.
Từ ngày 1/10, khi TP.HCM thực hiện nới lỏng giãn cách, do không còn khả năng bám trụ lại “quê hương thứ 2”, họ phải tìm cách về “có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo”.
Tại các chốt kiểm soát dịch đặt ở thị trấn Lăng Cô, hàng trăm hộp cơm, hàng nghìn chai nước, bánh mỳ và áo mưa được lực lượng chức năng chuẩn bị sẵn để hỗ trợ người đi đường.
Mỗi người dân khi đến chốt kiểm soát, được các cán bộ công an, dân phòng và lực lượng y tế hướng dẫn vào khu vực nhà chờ nghỉ ngơi, chờ xe dẫn đoàn hộ tống.
Đại úy Phúc phát cơm cho người dân |
“Mệt lắm rồi phải không?! Anh chị chạy xe vào khu vực chờ, cho các cháu nghỉ rồi ăn cơm”, Đại úy La Thị Hữu Phúc – cán bộ Đội CSGT Công an huyện Phú Lộc một tay chỉ dẫn, tay kia cầm sẵn những hộp cơm còn nóng đưa tận tay cho người dân vừa đến chốt.
Phía đối diện, một người đàn ông trạc 40 tuổi với dáng điệu khắc khổ, tiến tới bàn thực phẩm, cầm vội chiếc bánh bao định đưa lên miệng ăn.
“Anh lấy cơm ăn đi cho no, cơm còn nhiều mà”, một cán bộ tại chốt kiểm dịch nói. Tuy nhiên, người đàn ông này vội từ chối vì lý do “tôi về gần đến nhà rồi, để dành cơm cho những người còn đi đường xa”.
Người đàn ông này cho biết, anh tên là Trương Xuân Kha (trú tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Cuộc sống vất vả, cách đây ít năm, anh vào Bình Dương làm thợ xây để kiếm tiền gửi về cho con ở quê ăn học.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các công trình bị ngưng trệ khiến mấy tháng nay anh không có việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Khi cảm thấy không còn “trụ” lại được nơi đất khách quê người, sáng 5/10, anh quyết định chạy xe máy về quê.
Phát lương thực miễn phí cho người dân đi qua địa bàn TT-Huế |
Nhiều suất cơm được xếp sẵn để ai có nhu cầu đến nhận |
Đoàn người tập hợp, chờ xe “hộ tống” qua địa bàn tỉnh TT- Huế |
Theo một cán bộ tại Chốt kiểm soát dịch bệnh số 5, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên những ngày qua, trên địa bàn có mưa lớn.
Để đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình di chuyển, lực lượng chức năng địa phương hướng dẫn người dân khi đi qua đây thì vào chốt nghỉ ngơi, bố trí xe dẫn đoàn đưa đi an toàn.