Miền núi phía Bắc có nguy cơ mưa lũ lớn như Trung Quốc

Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai, nguy cơ xuất hiện mưa, lũ lớn tại khu vực miền núi phía Bắc tương tự như đã xảy ra tại Trung Quốc là rất lớn, cần được quan tâm đặc biệt.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, dự báo từ nay cho tới hết năm có khả năng xuất hiện khoảng 7 – 9 cơn bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 4 – 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam.

Miền núi phía Bắc có nguy cơ mưa lũ lớn như Trung Quốc
 Trường Tiểu học Nậm Nhừ (tỉnh Điện Biên) bị ngập sâu trong nước lũ do mưa lớn kéo dài

Trung tâm cảnh báo việc tiếp tục đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa tháng 10 và tháng 11.

Đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực miền Trung trong tháng 10 và 11, đặc biệt khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

Trong những tháng mùa khô tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa.

Nắng nóng còn xảy ra trong nửa cuối tháng 8 ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ nhưng không gay gắt.

Không khí lạnh có khả năng ảnh hưởng sớm, nền nhiệt trung bình mùa Đông năm nay có xu hướng thấp hơn so với năm ngoái.

Tại Bắc Bộ, đỉnh lũ từ tháng 9 và 10 trên các sông phổ biến ở mức báo động (BĐ) 1, các sông suối nhỏ ở mức BĐ1 – BĐ2. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình ở mức dưới BĐ1.

Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.

Nửa cuối tháng 8, ở thượng nguồn các sông khu vực Bắc Trung Bộ, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện 1 – 2 đợt dao động và lũ nhỏ, trên một số sông suối nhỏ có khả năng lên trên BĐ2; mực nước các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm.

Từ tháng 9 đến tháng 12, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2 – 3 đợt lũ lớn.

Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Tại Nam Bộ, khả năng xuất hiện lũ lớn là không nhiều, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến vùng ĐBSCL.

Ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường cao vào các ngày 18 – 21/9, 15 – 19/10, 14 – 18/11 và 13 – 17/12 với độ cao triều cường có thể chạm mốc kỷ lục vào ngày 18/10 trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng sẽ gây ngập lụt cho khu vực ven biển Nam Bộ.

Không để bị động, bất ngờ khi xảy ra bão mạnh, lũ lớn

Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, nhiều đặc điểm tương đồng với khu vực phía Nam Trung Quốc, nguy cơ về xuất hiện mưa, lũ lớn tại khu vực miền núi phía Bắc tương tự như đã xảy ra tại Trung Quốc là rất lớn và cần được quan tâm đặc biệt.

Về bão, ông Hoài cho hay, năm nay bão xảy ra muộn vào thời kỳ các hồ đã tích nước, hoàn lưu sau bão thường gây mưa lũ lớn sẽ ảnh hưởng đến an toàn đập và xả lũ ngập lụt hạ du, an toàn hệ thống đê điều.

Miền núi phía Bắc có nguy cơ mưa lũ lớn như Trung Quốc
Mưa lớn kéo dài nhiều giờ tại Quảng Ninh khiến nước ngập lưng cổng nhà dân

Để chủ động phòng, chống và khắc phục kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn khu dân cư ven sông, suối; thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn; khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất; các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản trong mùa mưa lũ.

Kiên quyết xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tránh để xảy ra sạt lở, sập hầm cũng như việc người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ dẫn đến các sự cố đáng tiếc như đã xảy ra trong một số năm vừa qua.

Rà soát kịch bản, phương án ứng phó đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để kịp thời ứng cứu khi có sự cố không để bị động bất ngờ, ngay cả khi xảy ra bão mạnh, lũ lớn như ở phía Nam Trung Quốc hiện nay.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát công tác sẵn sàng ứng phó với mưa, bảo đảm bảo an toàn tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản trên biển, khu công nghiệp (Vũng Áng, Nghi Sơn,…), hoạt động du lịch ven biển và trên các đảo, dân cư ven sông, suối, vùng thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất ở miền núi.

Các chủ hồ thủy điện cùng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra; phương án, vật tư trang thiết bị đảm bảo an toàn công trình; thiết bị theo dõi mưa, dòng chảy, thiết bị cảnh báo xả lũ; bản đồ, mốc ngập lụt hạ du; vận hành xả lũ đúng quy trình được phê duyệt, có sự giám sát của địa phương…